Là Phật tử hay không phải Phật tử đi nữa, thì cũng cần nên ăn chay.

Xét trên mọi phương diện thì ăn chay rất có lợi ích cho sức khỏe, môi trường và cuộc sống của chúng ta, vậy thì cho dù là Phật tử hay không phải Phật tử đi nữa, thì tất cả chúng ta cũng cần nên ăn chay.

blank
1. Dẫn nhập
Phật giáo Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời với lịch sử dân tộc. Phật giáo được du nhập vào Việt Nam ngay từ những buổi đầu lập nước. Từ khi du nhập tư tưởng Phật giáo đã gắn liền với văn hóa bản địa để tạo nên hệ tư tưởng văn hóa Việt Nam. Với tuệ nhãn của bậc đại giác ngộ, Đức Phật đã quán sát thấy chúng sinh căn tính vốn sai biệt. Phần lớn con người bị ràng buộc bởi nhiều yếu tố khách quan nên ngài đã chế ra Ngũ giới cho hàng Phật tử tại gia bao gồm: 1. Không được sát hại chúng sinh, 2. Không được trộm cắp, 3. Không được tà dâm, 4. Không được nói dối, 5. Không được uống rượu. Đây là năm điều giới cấm dành riêng cho hàng phật tử tại gia thụ trì. Người phát tâm quy y Tam Bảo là bước chân lên nấc thang giải thoát nhưng nếu không thụ trì Ngũ giới thì không thể nào tới đích được. Năm giới này không chỉ có công năng giúp chúng ta nhanh chóng đạt được mục đích trong tương lai mà còn đem lại sự an lạc, hạnh phúc cho chúng ta nên vô cớ sát hại các loài vật, càng hạn chế được nhiều thì càng tốt, vì mỗi loài dù to, nhỏ, lớn bé khác nhau nhưng đều có mạng sống và đều biết tham sống của muôn loài, tôn trọng Phật tính bình đẳng, nuôi dưỡng lòng từ bi và tránh quả báo xấu trong tương lai cho chúng sinh. Trong kệ Khuyến tu có ghi:
Hết thải chúng sinh không nghiệp giết
Muôn phương nào có nổi đao binh
Mỗi nhà, mỗi chốn đều tu thiện
Lo chi thiên hạ chẳng thái bình.
Bò, heo, tôm, cá, vịt, gà
Tuy không biết nói nhưng mà biết đau
Cũng ăn, cũng uống, cũng vui sầu
Suy ra chúng cũng khác đâu loài người
Đức Phật dạy hãy nhớ lời
Đừng nên chém giết những loài chúng sinh
Giết vật tất chúng oán mình
Kiếp sau chúng sẽ giết mình báo oán.
Trong thuyết luân hồi, sự sinh tử của chúng sinh tiếp nối, lên xuống trong lục đạo cứ liên tục như vòng quay của bánh  xe, không lúc nào dừng. Cho nên trong kinh Tâm Địa Quán có câu: “Hữu tình luân hồi sinh lục đạo, dụ như xa luân vô thỉ chung”. Chúng sinh sống rồi lại chết, hết tụ thân này lại thụ thân khác trôi lăn trong: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, atula, loài người, trời là do tâm tham dục, ái nhiễm làm nghiệp nhân. Con người sau khi chết sẽ bị đẩy xuống địa ngục bị hành hạ khổ sở do nghiệp nhân tham lam, bỏn xẻn nếu sinh vào súc sinh thì luôn bị giết hại do nghiệp nhân si mê, sa đọa, nếu được làm người tuy có vui sướng nhưng vẫn bị sinh tử đau khổ chi phối do không tu tập ngũ giới nên vẫn còn ái nhiễm, nếu sinh vào cõi trời thì được hưởng phúc báo nhưng vẫn còn bị luân hồi với nghiệp tu nhân lành thập thiện chưa trọn vẹn. Thuyết luân hồi diễn biến theo đúng tinh thần của luật nhân quả, gieo nhân nào thì gặp quả ấy. Luân hồi là một vòng tròn cố định, nó tùy thuộc vào thái độ hành động của chúng ta trong cuộc sống. Nếu rơi vào làm súc sinh mà chúng ta nở tay giết hại thì có thể chúng ta đang giết hại chính người thân của chúng ta vậy. Bản thân chúng ta, hoàn cảnh, xã hội xung quanh chúng ta tốt hay xấu đều do thái độ và hành động của chúng ta. Ăn chay cũng là một với các loài chúng sinh, là phương pháp giữ gìn sức khỏe và trường thọ, khiến cho thân, tâm của chúng ta thanh tịnh, tránh được các điều ác, làm được các việc thiện, nhân ái, thương yêu nhân loại, cứu vớt muôn loài chúng sinh, đó cũng chính là tôn chỉ của đạo Phật.
2. Ăn chay và những lợi ích của việc ăn chay
Ăn chay là ăn những thảo mộc như rau, củ, quả… mà không ăn những thực phậm được chế biến từ động vật như thịt, cá, tôm, cua, sò ốc… và không ăn ngũ tân: hành, hẹ, kiệu, tỏi, nén cừu, vì theo quan niệm Phật giáo thì những thức ăn này làm cho con người mê muội, kích thích dục vọng và sân hận. Hay theo quan niệm của hàng Phật tử Việt Nam, ăn chay là dùng những chất thanh đạm, không ăn cá thịt và các thư hôi nồng thuộc về hàng ngũ tân. Nếu dùng cá thịt và ngũ tân người ta gọi là ăn mặn. Chữ “ chay” là sử thực phẩm tinh khiết từ rau đậu…, còn nói đến chữ “ Trai” có nghĩa là Trung hoặc Thời thực. Trung hay Thực Thời thực, là dùng bữa giữa ngày vào giờ Ngọ, nếu ăn quá Ngọ(quá giờ trưa) thì gọi là phi Thời thực. Còn dùng chất thanh đạm được gọi là “ tố thực”, nghĩa là đồ đã đem dâng cóng, sau đó mới mang ra ăn. Chữ Trai dịch từ tiến Phạm là Oobavasatha có nghĩa là thanh tịnh.
Ngày nay chúng ta hay bị hiểu lầm giữa ăn Chay và trì Trai. Bởi ăn chay và trì trai là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.
Ăn chay: Theo tư tưởng của Đại thừa Phật giáo thì những ngưởi ăn chay họ đã phát được “Bồ Đề Tâm” tức tâm quảng đại, là tâm rộng lớn  thương yêu tất cả các loại chúng sinh, nên họ ăn chay để tránh được cái nghiệp sát hại chúng sinh, vì thế mà họ đã chọn các loại thực phẩm nhau rau, đậu, củ quả..nhưng họ vẫn có thể ăn ba bữa, sáng, trưa, tối.
Trì trai: Những người trì trai họ duy chỉ ăn nhất ngọ (tức họ chỉ ăn một bừa duy nhất vào giữa trưa mà thôi) quá ngọ sẽ không ăn và họ sẽ nhịn ăn cho đến trưa ngày hôm sau thì họ mới lại ăn, nhưng những người trì trai họ vẫn có thể ăn thực phẩm vừa nêu trên được gọi là “Tam Tịnh Nhục” thức ăn có ba đặt tình thanh tịnh, có nghĩa là: mắt không nhìn thấy con vật bị giết, tai không nghe thấy con vật bị giết kêu, và con vật đó không chết vì mình thì thứ thịt đó có thể ăn được, bởi thế mà ngày nay những người theo tiểu thừa Phật giáo họ vẫn dùng tam tinh nhục, nhưng vẫn phải ăn chính ngọ nên trong khi không còn được gọi là trì trai nữa. Bởi những người này họ vần chưa phát được “Tâm Bồ Đề” tức là tâm rộng lớn thương yêu cứu vớt tất cả các loài chúng sinh.
Ngày nay, ăn chay đang trở thành một trào lưu trên thế giới, nhất là trong giới trí trức và các chuyên gia. Nhà hàng và quán ăn chay ngày càng phát triển và thu hút đông đảo cho thấy số lượng người ăn chay không những mang lại lợi ích về vật chất mà còn đưa đến một mặt lớn lao về lợi ích cho tinh thần. Ăn chay làm cho sức khỏe được đảm bảo, môi sinh được bảo vệ, giảm tình trạng đói ăn trên thế giới và lòng nhân từ đối với chúng sinh.
Trước đây, có nhiều ý kiến cho rằng ăn chay không có lợi cho sức khỏe, nếu ăn chay cơ thể người sẽ bị thiếu chất. Ngày nay, nhờ sự  tiến bộ của khoa học với những nghiên cứu về món ăn chay và hàm lượng dinh dưỡng trong các món ăn chay đã chứng minh điều ngược lại, ăn chay có lợi cho sức khỏe. Đặc biệt ăn chay có thể ngăn ngừa được một số bệnh hiểm nghèo sau:
– Bệnh ung thư: ung thư là một căn bệnh chết người đứng hàng thứ cao trên thế giới và Việt Nam, nó có liên hệ mật thiết với những thực phẩm mà chúng ta ăn hàng ngày. Những nghiên cứu khoa học gần đây cho rằng, trong các thực phẩm động vật có chứa các chất béo và các hàm lượng kích thích tố cao đây chính là yếu tố dẫn đến bệnh ung thư, cũng trong những nghiên cứu này các nhà khoa học đã tìm ra trong một số thực phẩm từ thực phẩm từ thực vật có những chất đề kháng lại sự phát triển ung thư, đặc biệt là chất isoflavone – genistein có trong đậu nành làm giảm lượng cholesterol xấu LDL.
– Bệnh tim: trong một nghiên cứu Bác sĩ Dean Ornish đã chứng minh rằng, ăn thực phẩm rau đậu có khả năng làm giảm các căn bệnh nhồi máu cơ tim, bệnh tai biến mạch máu não và nhiều thứ bệnh liên quan đến hệ thống tuần hòa của con người. Việc ăn các loài thực phẩm kết hợp với việc luyện tập thể dục thường xuyên và hành thiền giúp cho cơ thể có thể chế ngự được bệnh tim mạch. Trong chế độ dinh dưỡng thực phẩm thực vật có ít chất béo( trừ một số dầu thảo mộc nhiệt đới như dầu dừa, dầu palm) kết hợp với việc vận động cơ thể làm cho máu dễ lưu thông và làm cho cơ tim phát triển.
– Bệnh loãng xương: sức khỏe của xương được phản ánh qua mật độ khoáng trong xương và tần số gãy xương trong một quần thể. Gãy cổ xương đùi là một hệ quả tất yếu của loãng xương nó gây ra những hệ lụy nguy hiểm với nhiều biến chứng. Nguy cơ gãy cổ xương là rất lớn. Sức khỏe của xương phụ thuộc và sự cân bằng giữa acid và bazo. Những thức ăn mà chúng ta hấp thụ hpair được chuyển hóa qua dạng acid hoặc bazo. Khi chúng ta ăn nhiều thực phẩm động vật thì cơ thể chúng ta hấp thụ acid nhiều hơn bazo làm cho máu và các mô trong cơ thể chứa hơn và để duy trì tình trạng này hệ thống nội tiết phải huy động calcium xuất phát từ xương để đóng vai trò bazo làm cho chất khoáng trong xương bị giảm một lượng đáng để làm cho xương dễ bị gãy. Đây được gọi là tiến trình tái thẩm thấu và là một phần của tiến trình lão hóa con người ở trạng thái bình thường.
– Bệnh đái tháo đường: Trong các thực phẩm thực vật có chỉ số glycemic thấp làm giảm nồng độ đường cũng như hàm lượng cholesterol nên việc ăn chay còn được xem là một liệu pháp điều trị bệnh đái tháo đường hữu dụng.
– Bệnh viêm thấp khớp: các nhà khoa học trên thế giới đã có những cuộc thử nghiệm về ảnh hưởng của ăn chay đến bệnh viêm thấp khớp sau 12 tháng theo dõi các nhà nghiên cứu cho rằng nhóm người ăn chay bệnh trạng giảm rõ rệt trong khi nhóm ăn mặn không có sự thay đổi đáng kể. Chế độ ăn chay hạn chế năng lượng đạm và một số chất khoáng có chức năng ức chế hệ thống miễn dịch nên ăn chay đem lại lợi ích hạn chế bệnh viêm thấp khơp. Gút cũng là một dạng của bệnh khớp. Do rối loạn chuyển hóa gây ra. Bệnh do tình trạng tang acid uric máu gây những hậu quả xấu cho cơ thể. Để phòng chống bệnh này cần hạn chế ăn nhiều thức ăn có đạm như thịt đỏ, phủ tạng động vật, hải sản, nên ăn nhiều hoa quả và rau, uống các loại nước khoáng thiên nhiên chưa bicarbonate. Người bị bệnh gút có thể hái lá sake già để nấu uống hằng ngày.
– Các bệnh truyền nhiễm khac: ăn thực phẩm có nguồn gốc từ động vật gây ra rất nhiều bệnh nhiễm khuẩn vì trong thịt động vật có quá nhiều chất độc hại như vi khuẩn, các ký sinh trùng, các chất cặn bã của thuốc thú y và các chất hóa học nặng như chì, thủy ngân, săt… trong khi đó ăn chay thì các chất độc gây bệnh này được hạn chế rất nhiều.
Ăn chay không những có lợi cho sức khỏe mà còn giúp môi trường được bảo vệ. Giết các loại gia súc để làm thức ăn cho con người có nghĩa là chúng ta đang hủy hoại sự cân bằng môi trường sống của chúng ta. Sự biến đổi khí hậu đang làm cho trái đất dần nóng lên và đang là một vấn đề mang tính toàn cầu. Ở một số nước Phương Tây việc xây dựng các nông trại nuôi gia súc để làm thức ăn cho con người này một tang lên với số lượng đáng kể, để nuôi dưỡng và bảo vệ gia súc người ta đã phá một số lượng lớn rừng để làm chuồng trại. Diện tích rừng ngày một thu hẹp làm cho lượng khí độc thải ra không được hấp thụ thải ra vùng khí quyển làm cho tình trạng ấm nóng của quả địa cầu tăng lên. Mặt khác, việc chăn nuôi, sản xuất và chế biến thực phẩm từ động vật cũng ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước. Nếu như nguồn nước sử dụng cho việc trồng các loài thực vật chỉ tiêu tốn rất nhiều. Đặc biệt, các chất thải từ các trại chăn nuôi, các lò mổ gia súc, các nhà máy chế biến thịt đã làm cho nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm. Thêm vào đó hơi metan thoát ra từ các nhà sản xuất thịt, đây là một trong những loại khí gây ra hiệu ứng nhà kính có ảnh hưởng đến sự biến đổi khí hậu của trái đất, làm cho trái đất bị nóng lên.
Ngoài ra, ăn chay cũng thể hiện cho lòng “Từ Bi” đối với chúng sinh. Những người ăn chay đã thể hiện được lòng nhân từ bao dung độ lượng của họ đối với các loài động vật. Họ không ăn thịt bởi vì họ tin rằng con vật cũng như con người, nó có quyền được sống. Đức Phật dạy rằng: “ đã là loài hữu tình, thì loài nào cũng biết thương yêu, buồn khổ và đau đớn, và cũng biết tham sống sợ chết, ngoại trừ những lý do riêng biệt. Chính mình khi bị vấp ngã hay đứt tay một chút, còn cảm thấy đau đớn, huống chi là cảnh dâm chém, đạp diết, thiêu nướng, xẻ thịt, banh da. Như thế tại sao chúng ta lại nở an nhiên vui vẻ, ăn uống trên sự đau khổ vô hạn của chúng sanh? Chính mình khi sắp bị giết, bị chia ly cùng quyến thuộc. Đức Phật là đấng từ bi đã chỉ cho chúng ta biết được sự lợi ích của việc ăn chay lớn lao như thế, nên người Phật tử thể theo lòng từ bi đó mà ăn chay, để tránh việc trực tiếp hoặc gián tiếp sát sinh đầy thê thảm. Đối với những người còn ưa việc sát sinh và thích ăn thịt các loài động vật thì những người đó theo quan điểm của đạo Phật là họ đã đoạn mất đi hạt giống đại từ của họ.
Bên cạnh đó, ăn chay còn mang lại cho chúng ta nhiều lợi ích khác nữa: ăn chay giúp chúng ta tiết kiệm được thời gian, chỉ cần bỏ một chút ít thời gian là chúng ta có thể có được một bữa ăn chay trong khi đó để làm một bữa ăn mặn chúng ta sẽ tốn rất nhiều thời gian. Ăn chay có thể thực hiện dễ dàng…
3. Cách thức ăn chay
Ăn chay là một phương pháp tu hành rất quan trọng đối với những người Phật tử nhưng để đạt được lợi ích thiết thực từ việc ăn chay thì cần phải có phương pháp và cách thức ăn chay hợp lý. Chúng ta chuyển từ việc ăn thịt sang ăn chay không phải là chuyện làm ngay được, mà cần có sự thay đổi từng bước chưa kể có nhiều yếu tốt khách quan chi phối. Vì vậy, đức Phật chia ăn chay thành nhiều loại khác nhau để phù hợp với mọi căn cơ – điều kiện, trong đó có hai loại chủ yếu là ăn chay kỳ và ăn chay trường:
– Ăn chay kỳ: là ăn chay có kỳ hạn nhất định trong mỗi tháng hay mỗi năm. Ăn nhị chay là ăn hai ngày trong một tháng vào mùng 1 và 15 âm lịch hàng tháng. Ăn tứ chay: là ăn bốn ngày trong một tháng vào mùng 1, 8, 15 và 23 âm lịch. Ăn thập chay: là ăn 10 ngày trong một tháng vào mùng 1, 8, 14, 15, 23, 24, 28, 29, 30 (tháng thiếu thì 27, 28, 29). Ăn nhất nguyệt chay: là ăn một tháng chay nào tháng Giêng hoặc tháng Bảy âm lịch. Ăn tam nguyệt chay: là ăn ba tháng, vào tháng Giêng, tháng Bảy và tháng Chín hay tháng Mười. Hoặc ăn liên tiếp trong ba tháng. Nếu ăn chay kỳ trong một thời gian mà không gặp phản ứng về thân, tâm và nhận thấy có ích lợi, thì nên bước tiếp để ăn chay trường.
– Ăn chay trường( hay gọi là trường chay) là phát nguyện ăn chay suốt đời. Nếu mỗi ngày, phát tâm không ăn sau 12 giờ trưa thì gọi là Ngọ chay.
Người tu hành trước khi ăn phải làm lễ niệm thực vì người tu hành hiểu rằng không trồn cấy mà có ăn đó là do công sức của mọi người góp lại. Quan niệm ăn chay để duy trì sự sống của nhà tu hành trong đạo Phật gồm có: Đoàn thực là cơm ăn nước uống hằng ngày, khi ăn các món ăn được chia thành nhiều miếng(đoàn) rồi mới nuốt(Thực). Có đoàn thực mới có sức khỏe, có minh mẫn mới định tuệ được. Đoàn thực gắn với xúc cảm của vị thiệt( lưỡi), tỉ(mũi), nhĩ(tai)… xúc thực là sự tiếp xúc của lục căn( mắt, tại, lưỡi, mũi, thân, ý) sinh ra lục thức là sự nhận biết cuẩ sáu thức( nhãn thưc, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức) gắn với lục trần( sau cảnh) sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Khi căn – cảnh – thức hòa hợp tạo thành niềm vui những cũng có khi tạo thành nổi khổ. Các nhà tu hành tạo khả ý xúc, sẽ giúp cho thân thể khỏe mạnh, lòng thư thái ít bệnh tật. Ý thực là tâm tương ứng có tác dụng lớn đối với sự tiếp nối sinh mệnh. Niềm hy vọng nuôi dưỡng tâm làm cho người ta phấn chấn, ưa hoạt động.
Thức ăn chay phải đa dạng và nhiều thành phần dinh dưỡng để không gây ngán, ăn được lâu và gồm nhiều chất như các loại vitamin A, B2, C, D, E và chất xơ, chứa nhiều sinh tố, bỗ dưỡng như: cà chua, rau cải, nấm rơm, khoai tây, đậu nành…Ngoài những loại thức ăn chính chúng ta cần thêm một số gia vị như hạt tiêu, ớt, gừng…làm cho thức ăn dễ tiêu hóa. Tuy nhiên, cũng không nên sử dụng quá nhiều gia vị vì sẽ làm cho nội tạng nóng lên và kích thích thân thể bực bội khó chịu.
Ăn các loại thức phẩm càng ít chế biến hoặc chưa chế biến càng có lợi về dinh dưỡng. Cứ qua một lần chế biến thì chất dinh dưỡng của thực phẩm của thực phẩm bị giảm đi do quá trình chuyển hóa.
Ăn có chừng mực, tức là không nên ăn quá nhiều mọt loại thực phẩm hoặc ăn quá ít một loại cũng không nên ăn quá no hoặc để quá đói và tránh ăn nhanh, nuốt vội, sẽ có hại cho dạ dày. Không nên chan canh với cơm để lùa cho nhanh vì thế sẽ khó tiêu hóa, và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của chúng ta. Ăn vừa đủ, sau khi ăn cảm giác vừa no, không quá nặng nề, dễ chịu, làm việc bình thường cho đến bữa ăn sau bắt đầu đói và thèm ăn. Nếu như ăn xong không bị rối loạn về tiêu hóa, giấc ngủ được ngon, không bị mộng mị…thì chứng tỏ ăn đúng cách.
Nhưng đều nên tránh khi thực hiện ăn chay: người có phúc thì việc ăn chay được dễ dang. Chính vì vậy không nên kiêu mạn và khinh thường người ăn mặn. Làm như vậy sẽ sinh ra ác cảm với người và tổn ân đức của chính mình. Không nên háo danh, hành động này ăn chay trường để thể hiện và mong được người khác khen ngợi khi không được khen nữa thì chay là để hành hạ thân xác, nên cố ăn ăn một cách cực khổ từ năm này sang năm khác. Làm như vậy sẽ hao mòn đến thân xác và thân thể bị yếu đi. Không nên giả mặn: đã bước vào cõi ăn chay nhưng lòng vẫn nghĩ đến các món thịt thì làm trò cười cho thiên hạ. Không được quên ngày ăn chay và không nên dùng ngũ vị tân…
4. Kết luận
Ngày nay trong xã hội hiện đại và phát triển của chúng ta đang phải chịu ảnh hưởng rất nhiều đến tác động của môi trường cũng như thiên nhiên, khiến cho trái đất của chúng ta mất đi sự cân bằng về sinh thái, nhiều quốc gia đã phải chịu sự ảnh hưởng của sức xâm thực từ thiên nhiên,  như cháy rừng, lũ lụt, hạn hán… mà những nguyên nhân đó là do chính con người chúng ta tạo nên. Xét trên mọi phương diện thì ăn chay rất có lợi ích cho sức khỏe, môi trường và cuộc sống của chúng ta, vậy thì cho dù là Phật tử hay không phải Phật tử đi nữa, thì tất cả chúng ta cũng cần nên ăn chay. Chúng ta ăn chay không phải vì tiết kiệm mà vì lòng từ bi, bình đẳng và tôn trọng sự sống của muôn loài, và cũng chính là chúng ta đang bảo vệ môi trường và sự sống của chính chúng ta. Đức Phật từng dạy rằng: Mỗi chúng sinh được sinh ra trên thế giới đều có quyền bình đẳng và được tôn trọng, bởi vậy mà ăn chay khiến cho tinh thần bình đẳng được lan tỏa. Ăn chay tạo cho cơ thể được khỏe mạnh, tinh thần được phấn trấn, an vui, trí tuệ được minh mẫn hoạt bát… và cũng chính là để cân bằng môi trường và sinh thái. Muốn thực hiện được việc ăn chay có phương pháp và mang lại lợi ích thiết thực cho mỗi chúng ta quả thật là điều không hề đơn giản, tuy nhiên khi chúng ta đã thấy được sự lợi ích của việc ăn chay mang lại niềm an vui cho chính chúng ta và chúng sinh thì chúng ta sẽ hóa giải được những khó khăn và mong muốn hướng đến. Đó phải là sự kiên trì tập luyện dần dần từng bước có tuần tự và thiện chí của mỗi người đói với việc ăn chay, thì chúng ta sẽ thấy được giá trị của đời sống và sẽ đạt được niềm an vui, tự tại trong cuộc sống “tha nhân” này. (tha nhân, vì mọi người) Như vậy chúng ta có thể cảm nhận được sự lợi ích của việc ăn chay trong thời hiện đại.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Sa môn Phi Tích, luận bảo vương tam muội, dịch giả Sa Môn Hồng Nhơn
  2. Phương Liên Tịnh xứ mật Tịnh Đạo Tràng, Kinh niệm Phật ba la mật, dịch giả Hòa thượng Thích Thiền Tâm.
  3. Ribur Rinpoche, (Phật lịch 2552), Phát Tâm Bồ Đề, dịch giả Hồng Như, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội.
  4. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Kinh nhân quả ba đời, dịch giả Hòa thượng Thíc Thiền Tâm, Nxb tôn giáo, Hà Nội.
  5. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, (Phật lịch 2540, 1996), Kinh Trường thọ diệt tội, dịch giả Thích Thiện Thông.
  6. Phân Viện nghiên cứu Phật học, (1993), Phật giáo Chính tín, dịch giả Thích Thanh Nghiêm, Trung tâm tư liệu Phật học, Hà Nội.
  7. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, (Phật lịch 2546, 2002),  Kinh Dược Sư, dịch giả Bồ tát giới Tuệ Nhuận, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
  8. Hòa thượng Thích Thiền Tâm, (Phật lịch 2552, 2008), Hương quê cực lac, dịch giả Liên Du
  9. Nàrada Thera,( 1999), Đức Phật và Phật pháp, dịch giả Phạm Kim Khánh, Nxb tp.Hồ Chí Minh.

10. Thích Thanh Từ, (Phật lịch 2537, 1993),  Tu là chuyển nghiệp, Thành hội Phật giáo T.p Hồ Chí Minh
11. Sa môn Thích Trí Hải, 2000, Gia đình giáo dục, Học viện Phật giáo Việt Nam cơ sở I
12. Tâm Minh Lê Đình Thám, 2000, Phật học thường thức, Học viện Phật giáo Việt Nam cơ sở I
13. Thích Viên thành, 2002, Kỷ niệm chùa Hương, Nxb Văn Hóa – Thông tin.
14. Giáo hội Phật giáo Việt Nam,2006, Kinh Đia Tạng Bồ Tát Bản Nguyện, dịch giả Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
15. Lama Thubten Zopa Rinpoche, (Phật lịch 2552, 2008), Cánh cửa mãn nguyện,( The door to Satisfaction), dịch giả Nguyễn Văn Điểu, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
16. Trần Trọng Kim, 2002, Phật lục, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
17. Toan Ánh, 1997, Phong tục Việt Nam qua Lễ Tết Hội Hè, Nxb Tổng hợp Đồng Tháp.
18. Nguyễn Đăng Duy, 1999, Phật giáo với văn hóa Việt Nam, Nxb Hà Nội.
19. Hoàng Quốc Hải, 2001, Văn Hóa phong tục, Nxb Văn hóa Thông tin.
Bùi Quang Dũng

Thẻ:, ,