Ăn chay và yêu cái đẹp
1,- KỶ NIỆM TUỔI TRẺ
Tuổi trẻ là một chặng đường lắm thử thách cam go, sôi động tưng bừng, nhưng cũng là một kho tàng chứa đầy những kỷ niệm không thể nào quên. Cách đây mấy chục năm, hồi đó chúng tôi là những thanh niên nam nữ độc thân thường hay tổ chức các buổi vui chơi vào các ngày chủ nhật hay ngày lễ. Chúng tôi chọn một địa điểm khá xa thành phố, và đi tới đó bằng xe đạp, để chuyện trò, hát hò, vui chơi, ăn uống đơn sơ và ra về.
……
Dạo ấy, đồi núi đều hoang sơ vì mọi nơi chốn có rất ít dấu chân người, hơn nữa ngành du lịch chưa phát triển mấy nên mọi dịch vụ kể cả việc giải khát đều hạn chế. Bọn tôi định tổ chức một ngày dã ngoại “sáng đi và tối mịt chờ trăng lên mới về nhà” đành phải lo tự túc mọi thứ.
……
Đi đâu? Thì cũng chỉ loanh quanh các vùng cách Huế vài mươi cây số, như là từ đồi Vọng Cảnh cho đến lăng Tự Đức hoặc xa hơn là lên tới lăng Gia Long. Hoặc dãy rừng thông bạt ngàn cạnh bãi Thuận An, hoặc vạt Rú Xanh vắng vẻ cạnh thôn 2 Làng Dừa… Chúng tôi mang tiếng dân thành phố Huế nhưng thuở nhỏ đến nay chỉ chuyên học hành, thi cử và thì giờ rãnh chỉ lo đỡ đần cha mẹ các công việc nhà hay các việc ruộng nương, các việc vặt vãnh, đâu có cơ hội (và cả tiền bạc) đàn đúm, đi chơi xa…
……
Đồ giải khát thì mang theo hai bịch ba chục lít nước sạch là tạm đủ. Còn thức ăn cho hai bữa trưa và tối, mới là vấn đề. Các chị Mai, Hương, Hoa phụ trách đi chợ nhưng chưa dám mua thức ăn gì vì đang phân vân về việc “ăn chay hay ăn mặn?” Ai cũng có lập luận rất đáng nể trọng và người nào đề hết sức bênh vực chủ hướng của mình! Tuổi trẻ mà!
……
Giữa lúc ấy, các anh em không hẹn mà tụ tập về nhà tôi.
Một căn nhà nhỏ nằm sâu trong làng quê Kim Long, cách trung tâm Huế khoảng hơn 2 km đường chim bay, lọt thỏm giữa khu vườn toàn cây ăn trái và bóng râm phủ kín suốt bốn mùa. Một cái bàn nhỏ và dãy ghế làm bằng gỗ tạp lổn chổn nằm dưới những tán cây sa-pô-chê um tùm, mấy gốc măng cụt chen nhau dưới một không gian thinh lặng.
Chúng tôi chẳng hồn nhiên và mỗi lần gặp nhau thường bàn cãi như mổ bò, không ai chịu ai. Hôm ấy, bọn chúng tôi tưởng chừng sắp gây lộn thì bỗng anh Điền vừa kịp tới. Mừng quá!
Tôi thì không thể quyết định bèn hỏi anh Điền:
– Các chị đang chờ ý kiến của anh để… đi chợ!
Anh Điền nhăn mặt:
– Cần gì rắc rối thế? Tụi mình là dân trí thức phần đông xuất thân từ ngành khoa học, phải suy nghĩ cho nhanh và làm cho hiệu quả. Ý kiến của tôi là: Chúng ta chỉ ăn chay theo khoa học chứ không nghiêng về một khuynh hướng tôn giáo nào hết.
Tôi vỗ tay:
– OK. Tôi cũng nghĩ vậy. Vừa đơn giản, tiện lợi và đỡ tốn kém và phù hợp vệ sinh…
Anh Điền nối lời:
……
– Ngày nay thế giới sắp bước sang thiên niên kỷ thứ ba rồi, việc ăn chay đã trở thành một xu hướng lớn, không hẳn vì “ý thức” hay niềm tin về một đấng thiêng liêng cao cả nào đó. Chúng ta phải ăn chay, đơn giản vì con người đang đứng trước những mối đe dọa về môi sinh cũng như người ta phải chứng kiến những cảnh giết chóc tàn bạo, thiếu nhân văn. Sự sợ hãi cũng như lo lắng về sức khỏe đưa chúng ta gần đến việc ăn chay dài ngày hay ăn chay định kỳ, có chừng mực nào đó. Dân chữ nghĩa như chúng ta thì không nên thể bo bo cái quan niệm lỗi thời “ăn cho sướng miệng”.
……
Bữa ni có dịp thảo luận cho vui, mọi người ai nấy đều có tiếng nói trước khi chúng ta quyết định điều gì. Phải rứa?
Tôi lật đật ngắt lời:
– À, anh Điền nè, tôi không ngại chi cái việc chay mặn, nhưng thú thiệt, tôi chưa hiểu chữ “chay” nghĩa là gì?
Anh Điền gật đầu:
– Ờ… đúng thật như rứa! Có rất nhiều từ ngữ mà chúng ta quen dùng nên chẳng tìm hiểu ý nghĩa là gì.
Về từ ngữ thì chay được bắt nguồn từ chữ “trai”, nghĩa là thanh đạm, thanh tịnh. Phật giáo gọi ăn chay là chỉ ăn bữa trưa, còn gọi là Ngọ Thực.
Ăn chay, trai giới, ăn lạt… là một chế độ ăn uống chỉ gồm những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật (bông hoa, trái hạt, cỏ cây, rau, củ, quả, vv..)…
……
Tuy nhiên thì những công trình nghiên cứu khoa học và thống kê y khoa, một sản phẩm khác của con người, đồng thời lại khẳng định là những người ăn chay có sức khoẻ tốt hơn, ít bịnh tật hơn, nhất là các bịnh về tim mạch và ung thư, và họ sống lâu hơn những người ăn thịt. Nhờ vào những hiểu biết khoa học, rất nhiều người Tây phương cũng đã ăn chay để tránh bớt ô nhiễm cho thân xác và hạn chế bớt sự tàn phá môi sinh, bớt đưa vào cơ thể những độc tố và lượng dinh dưỡng quá cao từ thịt và mỡ thú vật. Những bài báo viết về ăn chay theo chiều hướng này rất nhiều, lại được kèm thêm những chứng minh bằng thống kê, bằng những giải thích về y khoa, phân tích về sinh hoá, sinh lý học v.v…
Anh Song, dân sư phạm, thường được mọi người tặng cho một biệt hiệu “nhà đạo sĩ”, thong dong lên tiếng:
……
– Con người là một loài ăn uống hỗn tạp, nghĩa là đụng thứ gì và liền ăn thứ nấy, không kiêng một thứ gì và nếu cần hoặc tới khi quá đói thì con người có thể ăn thịt đồng loại. Thông dụng nhất trong các loại thực phẩm mà con người yêu chuộng là thịt và cá.
Cách đây chừng bảy hoặc mười ngàn năm, ở Ấn Độ quê hương của các bậc thánh nhân, minh triết Từ Bi và Bình Đẳng xuất hiện và con người bắt đầu có một thái độ đối với thực phẩm: Họ biết phân biệt thế nào là Chay và thế nào là Mặn.
Thật ra, một số rất ít người đã từ bỏ việc ăn thịt cá để hướng tới ăn rau đậu, củ quả với rất nhiều lý do. Các ẩn sĩ trên núi Hy-mã-lạp đã từng tọa thiền và quán sát như thế này: Ta và các loại sinh vật trên mặt đất, vốn có cùng bản thể như nhau và cùng Bà mẹ Thiên nhiên sanh ra, vậy thì hà cớ nào ta lại nhai nuốt chúng nó để nuôi sống thân xác của mình?
Các bậc ẩn sĩ triết nhân ấy căn cứ vào tình thương (Từ Bi) đối với muôn loài và còn dựa trên minh triết Bình Đẳng giữa Ta và vạn vật mà phát nguyện ăn chay, từ bỏ việc ăn thịt chúng sinh mà chuyển qua ăn thực phẩm rau đậu, hoa trái, củ quả.
……
Anh Điền góp ý:
– Có rất nhiều nguyên nhân để con người ăn chay. Loài người khác với các loài sinh vật khác ở chỗ: Luôn luôn tìm kiếm một lý do cho mọi hành động của mình!
Khi ăn mặn họ cũng tìm đủ lý do hợp lý, đó là “Vật dưỡng nhân”, hoặc là “Con người là chúa tể vạn vật nên con người có quyền mang tất cả thú vật lên bàn ăn!”.
Tôi căn vặn:
– Còn khi quyết định ăn chay, thì con người lại cho rằng, ăn chay đúng đắn sẽ bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân người ăn chay. Khoa học và nhất là ngành y khoa hiện đại đã chứng minh “Ngườiăn chay sẽ ít bệnh tật hơn những người ăn đủ thứ trên đời.
……
2.- MINH TRIẾT YÊU CÁI ĐẸP
Anh Điền vừa cười vui vừa nói chậm rãi:
– Còn một lý do khác thúc đẩy người ta ăn chay. Đó là ăn chay chỉ vì Cái Đẹp. Do nâng cao ý thức thẩm mỹ mà người ta ăn chay. Họ không hề quan tâm đến phương diện đạo đức, khía cạnh tôn giáo… là những thứ mà mọi người rêu rao và cổ xúy. Họ yêu cái đẹp, nghệ thuật của sự thẩm mỹ, và ăn chay. Thế thôi!
Tôi gật gù có vẻ thích thú:
– Tôi rất thú vị về đề tài này. Anh cứ nói cho anh em nghe.
……
– Vâng. Chuyện như thế này: Mấy năm trước, tôi hướng dẫn một phái đoàn người ngoại quốc thăm viếng vài tỉnh miền Bắc. Nhiều đoàn như thế đã đến xứ sở này và cũng đã ra đi vui vẻ, nhưng đoàn này có một điều đặc biệt là cả đoàn ai nấy đều ăn chay. Hồi ấy, Hà Nội dường như chưa xuất hiện một quán chay nào! Bây giờ thì đã khác hẳn xưa!
Để tìm hiểu sâu xa hơn, tôi đã hỏi vài người trong đoàn du lịch. Gặp người nào trong đoàn tôi cũng hỏi, Anh hay chị ăn chay vì lý do gì? Tất cả đều trả lời rằng: Chúng tôi ăn chay chỉ vì ý thức thẩm mỹ và sùng bái Cái Đẹp trong cuộc sống mà thôi. Cũng có vài người trong chúng tôi đã ăn chay vì những lý do khác.
Thật ra, tôi đã từng nghe qua và đã đọc rất nhiều sách về ăn chay. Nhưng khi tiếp xúc với những người chủ trương Ăn Chay Vì Cái Đẹp, thì tôi lấy làm ngạc nhiên vô cùng. Một chủ trương rất mới lạ và mình chưa nghe qua bao giờ! Và để thỏa mãn tánh tò mò. tôi đã bỏ thì giờ để tìm hiểu, nghiên cứu, đến nỗi… giờ này tôi trở thành một dân ăn chay thực thụ, chuyên nghiệp hồi nào không hay!.
…….
Minh triết “Ăn chay vì sùng bái Cái Đẹp trong cuộc sống” gọi tắt là Minh Triết Thẩm Mỹ, có lẽ được phát sinh từ Ấn Độ và từ Hy-lạp thời xa xưa. Gần đây, đã được một người Ân Độ tên là Bhagavan Rajneesh Osho cổ xúy và phổ biến trên khắp thế giới kể từ những năm 1930. Tại Việt Nam có lẽ giáo sư Ngô Trung Việt ở Hà Nội là người đầu tiên dịch thuật và phổ biến tư tưởng này hình như vào khoảng trước năm 2000 (quá muộn nhưng vẫn còn hơn không!).
Tôi vì những lý do mưu sinh mà phải ra Hà Nội vài lần, nhưng công việc bề bộn nên chưa có cơ duyên gặp gỡ để trao đổi, học hỏi giáo sư Ngô Trung Việt. Rất tiếc. Nhưng, tôi đã phát hiện được một bài viết của ông: TẠI SAO THẦY KHÔNG CHO PHÉP ĂN MẶN? trích trong cuốn KINH KIM CƯƠNG do ông dịch thuật và phát hành nội bộ.
Vừa nói, anh Điền rút trong túi xách ra một xấp giấy cỡ A4, trao cho chúng tôi. Và chúng tôi mỗi người vội chụp lấy một bản và đọc ngấu nghiến:
……………..
3.- TẠI SAO THẦY KHÔNG CHO PHÉP ĂN MẶN?
……
Câu hỏi này là do một vị khách mời của thiền viện tên là Swami Chinmaya nêu lên.
Dường như có một ý niệm bất ổn nào đó vừa xuất hiện trong tâm trí cho nên y mới đặt câu hỏi như vậy. Phải có một sự bạo hành được che giấu rất sâu trong tâm hồn y. Ngoài ra, chúng ta hãy xét vấn đề này: câu hỏi này do một người ăn chay nêu ra trong khi có hàng ngàn người ăn mặn ở đây. Câu hỏi ra vẻ ngớ ngẩn: Người ăn chay này không thật sự là người ăn chay, anh ta chỉ là một người bị ức chế, dồn nén. Ham muốn được ăn mặn vừa nảy sinh bất chợt, khiến anh ta đặt nên câu hỏi này.
Nhưng, lý do tại sao tôi không cho phép ăn mặn trong thiền viện thì chẳng có liên quan gì đến tôn giáo cả, nó chỉ thuần túy mỹ học. Tôi không phải là người nghĩ rằng, nếu bạn ăn mặn thì bạn không trở nên chứng ngộ được. Jesus đã trở nên chứng ngộ, Mohamed đã trở nên chứng ngộ, Ramakrishna đã trở nên chứng ngộ. Chẳng có vấn đề gì liên quan đến ăn chay hoặc ăn mặn cả. Bạn có thể ăn mặn và bạn có thể trở nên chứng ngộ.
Cho nên không có vấn đề tôn giáo trong việc ăn chay hoặc ăn mặn.
Với tôi, vấn đề là ở chỗ mỹ học. Vì Jésus đã liên tục ăn thịt, tôi có cảm giác rằng Ngài không có cảm quan mỹ học thật cao. Không phải Ngài không tôn giáo – mà Ngài là người có tính chất tôn giáo vô cùng hoàn hảo, tính chất tôn giáo tương tự như đức Phật vậy – nhưng một cái gì đó bị thiếu sót ở nơi Ngài. Ramakrishna đã liên tục ăn cá, chỉ kém mỹ quan, cho nên trông hơi xấu.
……
Vấn đề ở đây không phải là sự chứng ngộ, mà chính là nét mỹ quan về nên thơ, về cái đẹp.Chính là tính nhân văn chứ không phải là tính siêu việt. Đó là lý do tại sao điều này không được phép trong thiền viện của tôi – và những người lưu trú trong thiền viện sẽ không bao giờ được phép ăn mặn.
Đây là vấn đề thẩm mỹ. Đây là vấn đề về nghệ thuật của Cái Đẹp. Nếu bạn hiểu điều này thì nhiều việc khác sẽ trở nên rõ ràng đối với bạn. Có thể được phép uống rượu trong thiền viện, nhưng không được ăn thịt, vì rượu là sản phẩm từ thực vật – nước trái cây được lên men, nhưng vẫn là nước trái cây. Và đôi khi hơi say sưa một chút cũng sẽ làm phát sinh ra một thi sỹ thiên tài. Điều ấy có thể xảy ra lắm, phải được cho phép trên một mức độ nào đó.
Trong cộng đồng, chúng ta sẽ có một quán giải khát bán nước trái cây lên men hoặc không lên men, và đôi khi cũng có thể bán chút rượu nhẹ. Nhưng thịt thì không được phép, đấy chỉ là điều không thể chấp nhận được. Chỉ riêng cái ý nghĩ bạn giết một con vật để ăn thịt, chính cái ý nghĩ ấy cũng là kém thẩm mỹ rồi. Tôi không chống lại điều đó chỉ vì con vật bị giết, bởi cái tinh túy trong con vật sẽ sống mãi và không bao giờ bị tổn hại, và cái gì không phải tinh túy thì sẽ bị hủy diệt dù bạn có giết nó hay là không. Điều đó chẳng liên quan gì đến chúng ta, đó không phải là vấn đề để tôi xem xét.
Vấn đề không phải là ở chỗ: bạn đã giết con vật và việc giết chóc là không tốt. Không. Vấn đề là ở chỗ Bạn đã giết con vật – bạn. Chỉ để ăn ư? Trong khi có sẵn những món ăn chay tuyệt hảo? Nếu đồ ăn chay không có sẵn, thì đó là việc khác. Nhưng ở đây đã có đủ thực phẩm. Thế thì tại sao? Thế thì tại sao lại hủy diệt một thân thể? Và nếu bạn có thể giết một con thú, thì tại sao bạn lại không ăn thịt người? Có gì sai khi giết một người? Thịt người có thể còn ngon hơn. Tại sao bạn không ăn thịt người? Đó cũng là vấn đề thẩm mỹ.
Và loài vật là các anh chị em, vì con người xuất phát từ chúng. Chúng là những thành viên gia đình ta. Giết một người chỉ là giết một con vật đã tiến hóa, hay giết một con vật thì chỉ là giết một ai đó còn chưa tiến hóa, nhưng đang ở trên đường tiến hóa. Cũng thế thôi.
Cũng thế thôi. Không có gì khác biệt nếu bạn giết một học sinh cấp một hay một sinh viên đại học. Con vật đang tiến lên con người và con người cũng có thời từng là con vật. Đó chỉ là một vấn đề mỹ quan. Tại sao không giết vợ mình để ăn thịt? Cô ấy đẹp đẽ thế, ngon lành thế ? Chuyện kể rằng:
Một anh chàng đến thăm một người bạn, vốn hắn là một kẻ ăn thịt người.
Bữa ăn được dọn ra.
Anh ta chưa từng được thưởng thức một món ăn ngon lành đến thế, và cũng chưa bao giờ tưởng tượng có một món ăn tuyệt diệu đến thế. Khi ra về, anh ta bảo người chủ nhà :
– “Tớ thích món này lắm. Tớ chưa bao giờ được ăn ngon như bữa nay. Lần sau tớ đến, đằng ấy lại cho tớ món ấy nhé !”
Anh bạn ăn thịt người nói:
– “Khó đấy, tớ chỉ có mỗi bà mẹ thôi!”.
……
Tại sao bạn không ăn thịt mẹ bạn? Tại sao bạn không ăn chồng bạn? hay con bạn? Ngon đấy chứ?
Vấn đề không phải là tôn giáo.
Tôi muốn nhắc bạn lần nữa: đó là vấn đề mỹ học, vấn đề Cái Đẹp.
Một người có thẩm mỹ sẽ thấy rằng, cuộc sống vẫn còn đẹp, cuộc sống không trở nên xấu đi như một cơn ác mộng.
Nhưng câu hỏi trên nẩy ra trong tâm trí của kẻ đặt câu hỏi là Chinmaya, điều đó chỉ cho ta thấy vấn đề. Ở Ấn Độ, những người ăn chay không hẳn thật là ăn chay.
Vì sao?
Do vì họ được sinh ra trong một gia đình ăn chay và từ tấm bé đã bị áp đặt chế độ ăn chay. Tự nhiên họ tò mò, tự nhiên họ muốn nếm thử những món ăn khác, và tự nhiên ý nghĩ nấy sinh: “Cả thế giới này ăn mặn, có lẽ ăn mặn ngon lắm”. Người ăn chay này có cảm tưởng hình như họ đã bị thiệt thòi nhiều. Đó là lý do tại sao câu hỏi này lại được đặt ra.
Việc này chẳng liên quan gì đến Thiền cả. Bạn có thể ăn thịt và bạn có thể thiền. Bạn có thể ăn thịt và bạn có thể yêu. Ăn mặn hoặc là ăn chay thì chắc chắn chẳng liên quan gì đến tình yêu cả.
Nhưng khi ăn mặn, bạn đã bộc lộ một khía cạnh của chính bạn: rằng bạn rất thô thiển, rằng bạn rất nguyên thủy, rất sơ khai, không văn hóa, không văn minh, và chẳng có cảm giác gì về cuộc sống tuyệt vời này phải nên thể hiện như thế nào.
Chính từ những rung cảm thẩm mỹ mà việc ăn chay mới phát khởi ra. Hành vi ăn chay đã trở nên bị trộn lẫn vào tôn giáo và bị đồng hóa với tôn giáo, rồi biến mất. Sau đó, việc ăn chay lại đã bị trích dẫn từ khuôn khổ tôn giáo: Người ta khoác một bộ trang phục chật hẹp của tôn giáo lên trên việc ăn chay!
Người ta tới tôi và hỏi:
– ”Tại sao thầy nói Jesus là bậc chứng ngộ mặc dù ông ta là người ăn thịt?”.
Câu hỏi của anh ta được đặt ra là bởi vì theo anh ta thì người ăn thịt không thể nào chứng ngộ được.
Nhưng tôi cho rằng, người ăn thịt vẫn có thể trở nên chứng ngộ, cũng như những người không phải là nhà thơ vẫn có thể trở thành chứng ngộ.
Đấy không phải là chướng ngại. Những người không biết cảm nhận Cái Đẹp, không thấy cái đẹp trong một bông hồng, vẫn có thể trở thành chứng ngộ. Những người không thấy được cái đẹp trong ánh trăng, vẫn có thể trở nên chứng ngộ.
Những người không biết thưởng thức nhạc Beethoven cũng vẫn có thể trở thành chứng ngộ.
Nhưng, Jesus cũng đã để lộ một cái gì đó rất thô thiển. Có thể vì Ngài không thể làm khác được, có thể vì Ngài bị sống giữa những người ăn thịt. Sẽ rất khó khăn cho Ngài nếu Ngài ăn chay và sẽ xuất hiện nhiều chướng ngại nếu Ngài rao giảng về ăn chay. Điều ấy phải nói là gần như là không thể được. Nhưng dù vậy, Ngài vẫn phải nhận lấy những rắc rối trong cuộc sống và cả những nghiệp quả, báo ứng, trong công cuộc hoằng hóa của Ngài!
Nhưng bạn hãy nhớ rằng, ở đây cách tiếp cận của tôi là cách tiếp cận tích hợp.
Thiền định là cần thiết, thơ ca cũng vậy, thẩm mỹ cũng vậy, tôn giáo là cần thiết, âm nhạc cũng vậy, nghệ thuật cũng vậy. Con người phải tiến hóa một cách tổng hợp trên nhiều bình diện, trên nhiều chiều hướng. Rồi đến lúc nở hoa, và kết quả tối hậu xảy ra khi nào toàn bộ những cánh hoa nở ra hết cả. Và bạn sẽ có niềm hân hoan lớn hơn và phước lạc lớn hơn trong cuộc sống.
Thánh Francis có những rung cảm thẩm mỹ hơn Jesus rất nhiều. Có những câu chuyện về thánh Francis được lưu truyền rằng, nơi nào có thánh Francis xuất hiện thì vô số chim chóc đến đậu trên vai ông, rằng cá dưới sông cũng nhảy lên bờ để ngắm nhìn ông.
Thánh Francis có lực hấp dẫn đối với các vương quốc loài vật. Ông nói chuyện với cây cỏ và gọi chúng là chị em, với chim chóc là anh em và cả với mặt trời mặt trăng. Điều này chắc chắn không xảy ra cho Jésus, điều này chắc cũng không xảy ra cho Mohammed. Không bao giờ xảy ra, không bao giờ!
Ây vậy tôi vẫn tuyên bố họ là những người chứng ngộ, nhưng chứng ngộ của họ còn thiếu một điều: tính nhạy cảm thẩm mỹ. Tại sao họ để thiếu điều này? Tại sao họ không làm cho sự nhạy cảm này trở nên viên mãn? Tại sao không trở nên chứng ngộ một cách toàn diện, theo mọi phương thức có thể đạt thấu được, trong tính cách toàn bộ của bạn?
Tại sao?
(Bhagavan Rajneesh Osho)
……
Mọi người đã đọc xong.
Ai nấy đều thở phào sung sướng.
Riêng tôi, tôi vô cùng hạnh phúc vì đã nhận thức rằng, dù đi trên con đường Chân Thiện để thực hiện Tứ Niệm Xứ cứu cánh niết-bàn, hay là đi trên con đường thẩm mỹ hướng về Cái Đẹp của chân lý Như Thực, hoặc dù đi trên bất cứ con đường nào, tôi cũng phải ĂN CHAY.
……
4. – CÁI ĐẸP Ở TRONG TẤT CẢ, BAO GỒM THI CA
Đại thi hào R. Tagore đã từng tuyên bố trong các tác phẩm của mình:
Trước khi dành cả cuộc đời cho cái đẹp của Thơ Ca, thì tôi là một người Ấn Độ đã hiến mình cho chủ thuyết Ăn Chay Để Hòa Hợp với Thượng Đế. Và ở đất nước tôi, dường như các thi sĩ đều ăn chay.
Trong bài viết: CÁI ĐẸP THEO TINH THẦN PHẬT HỌC của Thượng tọa Thích Thiện Quang trên Thư viện Hoa sen, chúng ta đọc được:
Đẹp – tiếng gọi muôn thuở của con người, Đẹp là gì? Làm thế nào để kiến tạo một cuộc sống Đẹp? Có thể nói, nếu không hướng đến cái Đẹp thì nhân loại không có sự phát triển, không có nền văn minh. Nhưng trong lúc đi tìm cách giải đáp cho câu hỏi ấy đã có những cuộc nhấn chìm sinh mạng cái Đẹp.
Chính vì CÁI ĐẸP chúng tôi mời các bạn thưởng thức cái đẹp của thơ văn qua một bài haiku sau đây:
Xuân về, căn lều cỏ
Trống trơ trống trụi chẳng có gì
Nhưng mà có tất cả
……
Tác giả không ca ngợi cái nghèo và cái trần truồng, nhưng đã nói lên cái lớn lao miên trường trong mỗi một sự vật cũng như trong mỗi con người. Bài thơ này nhắc chúng ta nhớ tới câu nói của đại sư Suzuki trong tác phẩm Zen and Psychoanalysis:
“Everything without tells the individual that he is nothing, but everything within persuades him that he is everything”.
“Thế giới ngoại tại nói với Con người: Mi chẳng là cái gì hết! Nhưng thế giới nội tâm lại bảo y rằng: Ngươi là TẤT CẢ!”
……
Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin trích dẫn một bài thơ do một cô gái quê sáng tác:
ôi đoá hoa Triêu Nhan
vướng nơi cái gàu múc nước
ta phải đi lấy nước (ở người hàng xóm)
……
Triêu Nhan là loài cây hoa tựa như cây mồng tơi ở Việt Nam, qua một đêm nó bò nhanh và dính vào chiếc gàu múc nước trên thành giếng. Rạng đông nó chợt nở hoa rực rỡ, vì vậy được gọi là Triêu Nhan (nhan sắc ban mai). Cô gái quê ngỡ ngàng trước vẻ đẹp ngời chói của giây phút diệu kỳ đang hiển hiện nơi đoá hoa, nàng không dám đụng tới vẻ đẹp Vĩnh Cửu trong Khoảnh Khắc diễm tuyệt của Thực tại. Do đó, nàng phải lặng lẽ sang nhà hàng xóm múc nước.
Khiến chúng ta gợi nhớ đến chàng Quách Thoại ngày xưa:
Lúc đối diện với đoá thược dược tình cờ nở rộ bên hàng giậu, Quách Thoại ngẫu nhiên bắt gặp trong chính tâm hồn mình một cảm thức tương tự như nỗi rung động của cô gái quê Nhật Bản mặc dù hai con người này chẳng hề sống chung cùng trong một không gian và thời gian – vâng, họ cách xa nhau đến cả một chân trời mộng mị của tâm tưởng mà chúng ta không thể tính đếm bằng cây số hoặc dặm trường. Đó là bài Thược Dược chỉ có 6 câu vắn vỏi, nhưng mãi mãi là áng thơ bất hủ của nền thi ca Việt Nam cận đại:
Đứng im ngoài hàng giậu
Em mỉm nụ nhiệm mầu
Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu…
Bông thược dược đâu biết nói năng chi? Tại sao Quách Thoại lại nghe tiềng ca của nó vang vọng từ ngàn xa và dường như bất tuyệt? Và chàng thi sĩ đã cúi đầu lạy ai? Lạy cái gì?
Cái Chân từ lâu con người đã quên bẵng chân lý rồi, thế giới này có ai dám nêu cao và dám thực hiện điều chân lẽ chánh đâu? Họ quen xài hàng giả, hàng dzổm. thật giả lẫn lộn. Và cái Thiện nữa! Thiên hạ làm ác đã quen và cứ ngỡ là đang làm điều Thiện mới khốn nạn chứ! Chỉ còn Cái Đẹp mà thôi!
Chàng thi sĩ đã sụp lạy Cái Đẹp. Thường trụ. Bất biến. Sừng sững cùng vĩnh cửu. Cùng sát-na hiển hiện trên đầu sợi tơ.
Tầng ô-zôn bị thủng từ lâu lắm và vẫn đang cố sức chạy chữa. Môi trường đang bị xâm hại và hủy diệt dần dần. Chiến tranh hạch tâm đe doạ. Căn bịnh thời đại Aids và EBOLA đang lây lan với tốc độ kinh hồn. Nạn đói cùng với sanh đẻ bừa bãi ở lục địa đen và đông nam châu Á. Robot điện tử. Máy vi tính nối mạng toàn cầu. Thiên tai, lũ lụt, động đất. Khủng bố tràn khắp… Càng ngày chúng ta càng cảm thấy mất an toàn và sợ hãi cùng cực trước một thế giới máy móc, thực dụng, phải đối đầu với sự trơ lì nhân tính của Con người. Dường như không còn một thế lực siêu nhiên nào có thể đưa nhân loại ra khỏi những hiểm hoạ do chính họ gây ra. Càng vẫy vùng, chúng ta lại cảm thấy sợi thòng lọng đang gần kề.
Tuyệt vọng rồi sao?
Hay chúng ta đành phải cố tin vào lời tiên tri của Dostoievsky:
”Cái Đẹp sẽ cứu rỗi thế giới”?
Hoặc chịu khó nghe Trương Tải dỗ dành:
”Con người cần nên có một chút tài năng để trang điểm thế giới và một chút tâm tình để duy trì thế giới” ?
Nếu đúng như vậy, kiếp dã tràng bèo bọt của chúng ta sẽ được thăng hoa bởi các Nhà Thơ. Các nhà thơ với sứ mệnh lớn lao, cao cả là sử dụng Cái Đẹp Muôn Thuở của THI CA để chuyển hoá cuộc sống tầm thường, tẻ nhạt và mong manh này trở thành thiêng liêng, bất tử, hoà nhập vũ trụ lung linh muôn ngàn màu sắc huyền ảo.
Có lẽ, chỉ còn niềm hy vọng cuối cùng: Con người rồi ra sẽ cảm thông cái thân phận chung của kiếp sống mình, mà trở nên gần gũi, yêu thương nhau hơn, một cách chân thành, trong CÁI ĐẸP VĨNH CỬU của Thi Ca, Nghệ Thuật. Khi mà trần gian chẳng qua là một chốn lưu đày tràn đầy huyễn mộng…
Chúng tôi bỗng nhớ tới nhà thơ R. Tagore đã nói:
“Và ở đất nước tôi, dường như các thi sĩ đều ăn chay.”
Chấm Hết.