Ăn chay trong cuộc sống hiện đại
Bạn tôi, sau khi đi khám sức khoẻ “tổng quát” đã được thầy thuốc khuyên nên hạn chế ăn thịt động vật, nhất là nội tạng động vật, bớt uống bia, tăng cường tập thể thao và… ăn chay. Bạn tôi đã thực hiện đúng như lời thầy thuốc dặn, chỉ sau một thời gian, các chỉ số hoá sinh máu, chức năng gan… đã giảm rõ rệt. Thân hình bạn tôi gọn gàng hơn, vận động nhanh nhẹn, thần thái tươi tỉnh hơn.
Thực chất, ăn chay là một chế độ ăn uống chỉ gồm những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, hoàn toàn không sử dụng các loại thịt (thịt gia súc, gia cầm và hải sản) hoặc kiêng ăn các thực phẩm có nguồn gốc động vật.
Theo các tài liệu y học, thịt động vật khi bị phân hủy sẽ tạo ra các axit, khi được hấp thụ vào cơ thể sẽ làm cơ thể nhiễm axit. Ăn nhiều thịt sẽ làm tăng cholesterol, dư thừa năng lượng dẫn đến bệnh tim mạch, béo phì.
Đầu thế kỷ XX, một phương pháp điều trị bệnh tật bằng cách ăn “gạo lứt, muối mè” đã xuất hiện ở Nhật Bản và được gọi là “phương pháp thực dưỡng”. Phương pháp ăn chay mới này do giáo sư người Nhật Sakurazawa Nyoichi áp dụng cho bệnh nhân mà ông nghiên cứu, chữa bệnh. Kết quả ông thu được rất khả quan mà bây giờ, người ta vẫn quen gọi là phương pháp Oshawa.
Ở Việt Nam, phương pháp thực dưỡng bằng “gạo lứt, muối mè” bắt đầu xuất hiện vào khoảng năm 1963, lúc ấy mới chỉ có một số ít người áp dụng và hiện nay, phương pháp này đã được nhiều người áp dụng hơn.
Theo các nghiên cứu khoa học, ăn chay có lợi cho sức khỏe, giúp con người ít mắc bệnh về tim mạch và ung thư. Những người ăn chay thường có cuộc sống thanh thản và họ sống thọ hơn. Nhiều người đã thực hiện ăn chay để hạn chế hấp thụ vào cơ thể những độc tố và dinh dưỡng dư thừa từ thịt mỡ của động vật. Ăn chay theo quan điểm của đạo Phật để tăng trưởng lòng từ bi, tránh sát sinh.
Thực tế, cơm chay cũng rất ngon bởi các thức ăn được chế biến từ thực vật như đỗ, lạc, đậu… Về mặt dinh dưỡng, ăn chay vẫn bảo đảm đủ các chất đạm, mỡ, các vi chất…từ thực vật mà ra. Chỉ có điều, các chất này không gây tác hại như ăn thịt động vật. Nếu bạn đã từng ăn chả chay, gà chay, mực chay được chế biến công phu từ thực vật…. thì bạn sẽ thấy các món đó ăn ngon không khác các món ăn từ thịt động vật.
Theo Thạc sỹ, Bác sỹ Lê Ngọc Diện, có rất nhiều biến thể ăn chay khác nhau trên thế giới, nhưng quy tụ có 4 kiểu truyền thống sau:
– Ăn chay tuyệt đối là không ăn thịt, gia cầm, cá, sữa và các sản phẩm từ sữa, trứng.
– Ăn chay (theo tín đồ Ki-tô) có dùng cá, tôm. Không dùng thịt động vật.
– Ăn chay có trứng.
– Ăn chay có sữa và trứng.
Một dạng ăn chay khác cũng khá phổ biến hiện nay là “ăn chay bán phần”, chỉ không dùng các loại thịt đỏ như thịt bò, cừu…
Tuy nhiên, ăn chay không đúng cách hoặc ăn quá nhiều cũng có thể dẫn đến tình trạng béo phì và bệnh tiểu đường. Lưu ý, các món chay có nhiều tinh bột như cơm chiên, mì xào giòn, rau cải xào nấm, phở áp chảo, chả giò, cá kho tộ, canh chua… được nấu với một lượng khá nhiều dầu, đường, nước cốt dừa, bột ngọt… là căn nguyên của loại bệnh trên. Bởi, các món chay này rất ngon miệng nên được nhiều người ưa chuộng nhưng lại là nguồn cung cấp năng lượng (calorie) lớn, dễ phát phì, không tốt cho sức khỏe. Hơn nữa, do thức ăn chay tiêu hóa nhanh, khiến người ăn có cảm giác mau đói, phải ăn thêm cơm, mì trong bữa chính hoặc ăn tăng cường thêm bữa phụ (như khoai lang, khoai tây chiên) làm cho người ăn chay “tăng cân” nhanh chóng.
Các thầy thuốc khuyến cáo: ăn chay có lợi cho tim mạch và chống được các bệnh nhiễm độc về máu và chức năng gan, nhưng chỉ nên ăn chay phù hợp với nhu cầu mỗi người. Thường xuyên ăn chay sẽ giúp cho cơ thể đào thải các chất dư thừa và tẩy được độc tố ra ngoài cơ thể.
Lê Quang Việ
Thẻ:ăn chay