Ăn chay kỳ và ăn chay trường

Ăn chay có thể coi là một trong những phương tiện tu hành của người Phật tử. Ăn chay, nhất là trường chay, đối với một số người thì dễ dàng nhưng phần đông còn lại thì gặp không ít khó khăn. Thời gian đầu ăn chay bao giờ cũng là thời điểm đầy thách thức khi người ta phải đối mặt với những chướng ngại cả bên trong lẫn bên ngoài mình.

blank

Để kết thiện duyên cũng như tạo điều kiện hơn cho người tu hành tại gia, đạo Phật chia ra hai loại ăn chay đó là chay kỳ và trường chay. Bước ra ngoài giới hạn tôn giáo, bất cứ ai cũng đều có thể ăn chay theo một trong hai cách trên, đặc biệt là chay kỳ để khởi sự ăn chay, dung hòa với điều kiện của mình.

Ăn chay trường, như tên gọi, chúng ta có thể hình dung ra cách thức của nó. Trường, trong tiếng Hán Việt, nghĩa là dài, nếu không nói là mãi mãi trong trường hợp này. Người ăn chay trường là những người nói không với những thực phẩm từ thịt cũng như các sản phẩm từ động vật trong bữa ăn. Việc ăn chay kéo dài liên tục, không bị xen kẽ với những bữa ăn mặn thì được gọi là ăn chay trường.

Ăn chay kỳ là cách thức ăn chay theo những ngày nhất định trong tháng hoặc các tháng nhất định trong năm. Tùy vào điều kiện mà mỗi người lựa chọn các kỳ ăn phù hợp. Nhiều người chọn ăn vào ngày mùng 1 và ngày rằm hàng tháng (gọi là Nhị trai). Ngoài ra còn có Tứ trai (ăn chay mỗi tháng 4 ngày: 1, 8, 15, 23  hay 30, 1, 14, 15); Lục trai (ăn chay 6 ngày trong tháng: 8, 14, 15, 23, 29, 30 (tháng thiếu 28, 29)); Thập trai (10 ngày: 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29, 30 (tháng thiếu 27, 28, 29)). Bên cạnh đó là Nhất ngoạt trai (ăn chay một tháng trong năm: tháng giêng, tháng bảy hay tháng mười); Tam ngoạt trai (ăn chay 3 tháng trong năm: tháng giêng, tháng năm, tháng chín). Thậm chí, người ta có thể tự phát nguyện ăn chay theo những kỳ nhất định mà mình đề ra.

 

Khái niệm chay kỳ và trường chay chỉ đơn giản như vậy nhưng trên thực tế, việc ăn chay của một số “tín đồ ngoại đạo” hay những người mới chân ướt chân ráo bước vào hành trình ăn chay và tu hành lại tạo nên nhưng vấn đề khá là đáng bàn. Đó là câu chuyện của một anh bạn trước đây ở cùng khu nhà, trong thời gian Chap sống trong Sài Gòn, và một người chị quen với gia đình Chap.

Anh là một người không theo tôn giáo nào cả. Có thể do một niềm tin nào đó mà mỗi buổi sáng trước khi ra khỏi nhà, anh đều thắp một nén hương cài vào khe cửa xếp hay bờ tường nơi cổng, lầm rầm khấn mấy câu rồi mới rời đi. Anh phát nguyện ăn chay vào ngày mùng 1 và ngày rằm. Trớ trêu là có những tháng không để ý lịch, anh quên béng cả việc ăn chay. Tháng nào nhớ ra để ăn thì trước hay sau những ngày ấy, anh phải ăn bù những món mặn bởi các món chay (chủ yếu là rau và đậu) khiến anh thấy nhanh đói và mệt.

Đối với chị gái kia, hôm trước chị qua nhà Chap chơi, hăm hở kể cho mẹ Chap nghe chuyện từ ngày quy y, chị cũng về ăn chay như lời mẹ Chap khuyên. Nói chuyện một hồi, chị hồn nhiên kể về đám giỗ ở nhà và hôm đó chị có ăn vài con tôm, chan tí canh xương. Thi thoảng, nấu cơm mặn cho chồng con ăn hàng ngày, món nào ngon ngon thì chị cũng nếm thử một tí. Mẹ Chap nghe xong thì té ngửa, la om sòm với chị kêu như thế đâu thể gọi là ăn chay.

Đây thực sự là những câu chuyện không mới mà hẳn bạn sẽ bắt gặp đâu đó ở những người ăn chay xung quanh mình. Bản thân bạn liệu có đang hay đã từng như vậy? Người trường chay thì ăn điểm thêm cả các món mặn, người chay kỳ thì quên mất ngày ăn chay. Như vậy, đâu còn đúng với ý nghĩa của những loại ăn chay này nữa!

Có một điều mà mẹ Chap nói rất phải trong lời giảng giải đối với chị gái kia. Ăn chay là phải ra ăn chay, tùy theo hoàn cảnh của mình mà chọn cách thức ăn phù hợp. Người chưa thể trường chay ngay lập tức thì có thể ăn chay kỳ để tạo thói quen và sự chuyển đổi dần dần. Song đã là chay kỳ thì cần có sự quyết tâm ăn chay trong đúng những ngày được quy định. Dù ngày đó có tiệc tùng, đám hỏi, đám giỗ,… cũng phải kiên quyết không ăn.

 

Trong nhiều trường hợp, tính kiên quyết có thể đi kèm với bảo thủ và cứng nhắc, nhưng với vấn đề này, Chap cho rằng điều đó là cần thiết. Bởi đó là cách để người mới ăn chay tự “thiết quân luật” chính bản thân mình. Ăn uống không đơn thuần chỉ là vấn đề thói quen mà còn liên hệ tới cả lòng tham và sự ham muốn nơi con người. Không nhiều thì ít, bất cứ ai cũng coi trọng hay để ý tới hương vị các món ăn. Có vừa miệng, hợp khẩu vị thì ta mới có thể cho chúng qua nổi khoang miệng. Đành rằng nhiều người có thể chuyển từ ăn mặn sang ăn chay rất nhanh chóng, nhưng có chắc khi ngửi thấy một mùi hương quen thuộc, thơm ngon từ món mặn ưa thích nào đó, liệu họ có không khởi lên ham muốn được thưởng thức? Bởi vậy, chỉ có sự kiên quyết mới có thể chặt đứt mọi đầu dây mối nhợ còn ràng buộc con người tiến tới ăn chay hoàn toàn, cả trong tâm ý.

Kỷ luật bản thân là một trong những tiền đề quan trọng để con người đạt được thành công trong cuộc sống. Khi đưa mình vào những khuôn khổ nhất định, chúng ta sẽ tránh khỏi sự vướng mắc hay xao nhãng vào những việc vô bổ, không cần thiết, đồng thời buộc mình phải thực hiện nghiêm túc những gì có lợi nhất cho bản thân. Kỷ luật bản thân trong vấn đề ăn chay cũng mang ý nghĩa như vậy. Bạn sẽ khó lòng trở thành người ăn chay thực sự nếu còn dễ dãi, cho phép mình ăn uống tự do cả với những món mặn. Sâu xa hơn, quyết định ăn chay của mỗi người hẳn sẽ luôn đi kèm với một mục đích nhất định. Chúng ta có thể ăn vì sức khỏe, vì tâm từ bi hay thâm chí chỉ bởi một niềm tin nào đó như anh bạn Chap kể trên. Vậy điều đó liệu có được hoàn thành trọn vẹn nếu như ăn chay lại chẳng ra ăn chay như thế? Hay chỉ bởi bạn đang làm lấy lệ, vì hình thức hay do bị xúi nên mới ăn một cách khiên cưỡng? Một vấn đề nhỏ thực hiện không tới nơi tới chốn thì có chắc bạn sẽ đạt được thành công trong các việc khác lớn hơn? Đó là vì sao bất cứ ai đã phát nguyện ăn chay, dù là chay kỳ hay trường chay, thì đều cần phải thực hiện một cách nghiêm túc, mang tính kỷ luật cao. Bạn sợ mình quên mất những ngày ăn chay trong tháng thì có thể đánh dấu chúng trên quyển lịch nhỏ mang theo bên mình, hay lưu trên điện thoại để tới ngày sẽ được nhắc nhở tự động. Bạn còn phải nấu mặn cho gia đình hay tham gia tiệc tùng, cưới hỏi,… hãy cứ thực hiện việc nấu ăn nếu bạn không thể làm gì khác, nhưng cũng nên vừa khéo léo, vừa quyết tâm từ chối lời mời gọi nếm các món mặn từ người thân, bạn bè hay ngay cả từ sự ham muốn bên trong mình.

Bất kỳ việc gì, dù nhỏ đến mấy, cũng sẽ phản ánh con người chúng ta và liên hệ tới chất lượng cuộc sống, tương lai của mỗi người. Trong khi đó, ăn uống là hoạt động cơ bản, cần thiết cho sự sống, nói nhỏ mà không hề nhỏ chút nào. Từ ăn mặn chuyển sang ăn chay với nhiều người thậm chí còn mang ý nghĩa bước ngoặt. Do đó, đã chọn cho mình cách ăn uống phù hợp thì bạn hãy kiên quyết thực hiện nó tới cùng, không chỉ để đạt được mục đích ăn chay đã đề ra, mà còn cho cả tương lai của đời mình.